Tỷ suất mới mắc

November 15, 2012 by Admin


Số hiện mắc cho chúng ta hình dung được một bộ phận hiện đang có bệnh của dân số. Những người còn lại là những người chưa mắc bệnh, và có khả năng sẽ mắc bệnh, tạo thành dân số nguy cơ, được trình bày trong mẫu số của công thức (2). Tử số của công thức là tập hợp những ca bệnh mới xuất hiện ở mẫu số, tức là dân số nguy cơ. Như vậy, số mới mắc cho chúng ta biết được khả năng, hay xác suất, để mắc bệnh ở những người-chưa-bao-giờ-mắc-bệnh. Có hai loại số mới mắc.

Tỉ Suất Mới Mắc (Tỉ trọng mới mắc, Tỉ suất trung bình, TỈ SUẤT)

Tỉ suất mới mắc của một bệnh là khả năng thay đổi tức thời của bệnh trạng trên một đơn vị thời gian, theo dân số trong thời gian đó (dân số không có bệnh cùng thời gian). Vì dân số mà chúng ta nói đến không thể diễn tả như một phương trình toán học theo thời gian, do đó chúng ta chỉ tính tỉ suất mới mắc trung bình trong một thời khoảng cụ thể.

Tỉ suất mới mắc trung bình   =  Số ca bệnh mới khởi phát/ Tổng thời gian-người trải qua

Xem thí dụ trong hình 3.2 dưới đây, đây là một dân số mà chúng ta thường gặp trong thực tế, tức là một dân số cơ động mà trong đó mỗi cá nhân xuất hiện vào những thời điểm khác nhau, và thời gian nguy cơ của từng cá nhân cũng thay đổi khác nhau. Theo công thức (8), tỉ suất mới mắc trung bình (hay tỉ trọng mới mắc, tỉ suất) là: 5 / (2,5 + 3,5 + ... + 1,5) = 0,192/năm; có nghĩa là “Hàng năm, trong dân số 1.000 người mà chúng ta theo dõi, có 192 người-không-có-bệnh-X mắc bệnh X”.

Hình 3.2. Sơ đồ theo dõi trong 5 năm của một đoàn hệ gồm 12 người từ đầu không có bệnh.
Tỉ suất mới mắc trung bình thường được gọi là tỉ trọng mới mắc hay số mới mắc thời gian-người. Nó cũng còn được gọi là tỉ suất. Tử số của tỉ suất là số những ca bệnh mới khởi phát trong một thời khoảng. Mẫu số là tổng thời gian quan sát của từng cá nhân trong dân số, được tính là năm-người, tháng-người, v.v., có nghĩa là thời gian nguy cơ. Đối với mỗi cá nhân trong dân số, thời gian nguy cơ là thời gian mà cá nhân đó còn ở trong dân số và vẫn chưa mắc bệnh, có nghĩa là có nguy cơ mắc bệnh. Trong thực tế, chúng ta khó tính được chính xác thời gian nguy cơ của từng cá nhân. Để đơn giản hóa, chúng ta có thể ước tính tổng thời gian nguy cơ bằng cách tính tích số của khoảng thời gian quan sát với dân số trung bình của hai thời điểm đầu và cuối thời khoảng.
Tỉ trọng mới mắc không phải là một tỉ lệ, nó có đơn vị (là 1/thời gian), và có trị số từ không đến vô cực.


Ý Nghĩa Của Tỉ Suất

Tổng số những cá nhân đi từ tình trạng không có bệnh sang một tình trạng có bệnh, trong bất kỳ một khoảng thời gian nào, tùy thuộc vào ba yếu tố: cỡ dân số, chiều dài của khoảng thời gian, và lực của bệnh trạng. Lực của bệnh trạng chính là cái mà tỉ suất muốn đo lường. Chúng ta thấy rằng tỉ suất được tính bằng cách chia số những ca bệnh mới mắc cho tích số của cỡ dân số với chiều dài của thời khoảng. Tích số này là tương đương với tổng của những thời khoảng của mỗi cá nhân trong dân số. Ưu điểm của tỉ suất so với nguy cơ là nó có tính đến những thời khoảng quan sát cá nhân khác nhau do những cá nhân đó đi vào dân số ở những thời điểm khác nhau, hoặc họ không còn trong dân số vì những lý do khác nhau (phát bệnh, chết, di chuyển, rút lui, v.v.).
Tỉ suất (hay tỉ trọng mới mắc) liên quan đến cả dân số, hay nói một cách khác, nó không liên quan đến bệnh trạng ở mức độ cá nhân, là cái mà nguy cơ (hay tỉ suất mới mắc tích lũy) nói đến. Tỉ suất thường được dùng trong những nghiên cứu đoàn hệ theo dõi những bệnh có thời gian ủ bệnh kéo dài, thí dụ những bệnh liên quan đến nghề nghiệp, AIDS, và những bệnh mạn tính. Nó cũng hữu dụng khi chúng ta muốn biết một người sẽ khởi bệnh nhanh cỡ nào.
Tỉ suất có những điểm bất lợi riêng của nó. Thứ nhất, tỉ suất bao gồm chung những khoảng thời gian theo dõi khác nhau. Một số ít người được theo dõi lâu dài (thí dụ theo dõi 5 người trong vòng 2 năm), và một số nhiều người được theo dõi ngắn hạn (thí dụ theo dõi 20 người trong vòng 0,5 năm) cũng sẽ đóng góp như nhau vào mẫu số của công thức 8. Nếu những bệnh nhân được theo dõi ngắn hạn có những thuộc tính khác với những thuộc tính của những bệnh nhân được theo dõi lâu dài, kết quả của tỉ suất sẽ bị sai lệch. Thứ nhì, khả năng mắc bệnh hoặc chết của những cá nhân trong một dân số thường không thể hằng định trong suốt thời gian mà chúng ta theo dõi dân số đó. Thí dụ, với một bệnh có thời gian tiềm ẩn dài thì tỉ suất sẽ thấp trong khoảng đầu thời gian theo dõi, và sẽ cao trong khoảng cuối của thời gian theo dõi. Để giảm sai lệch, chúng ta có thể phân tích dữ kiện theo từng thời khoảng của cả thời gian quan sát. Thứ ba, với những bệnh tử vong nhanh, tỉ suất đo được sẽ cao giả tạo. Vì một trường hợp tử vong nhanh sẽ góp một đơn vị vào tử số, nhưng sẽ góp ít hơn một đơn vị thời gian-người vào mẫu số.
Nguồn: Nguyễn Đỗ Nguyên, Dịch tễ học cơ bản.

Comments

comments powered by Disqus