Trình dược viên-bác sĩ-hoa hồng hay còn gì nữa

November 20, 2012 by nguyensung

Vấn đề các công ty dược chi hoa hồng cho các bệnh viện, bác sĩ  đã được báo chí phản ánh từ lâu. Phản ánh thì phản ánh, chuyện chi hoa hồng có giảm được không thì đã rõ.

Nhà quản lý cũng đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giảm vấn đề chi hoa hồng, trong đó có biện pháp bắt buộc các bệnh viện phải đấu thầu thuốc. hàng tuần, hàng tháng tại các khoa phòng bệnh viện tổ chức bình bệnh án, bình toa thuốc.

Vậy tại sao vấn đề chi hoa hồng vẫn tồn tại, thậm chí ngày càng tinh vi hơn, khốc liệt hơn. Hoa hồng là cái thứ gì mà chi phối được nhân viên y tế như vậy?!

Nhìn về phương diện kinh doanh: mục đích của các công ty kinh doanh dù bất cứ lĩnh vực nào cũng là lợi nhuận (các Cty TNHH Bệnh Viện cũng chẳng thể mở ra chỉ để làm từ thiện). càng lợi nhuận nhiều càng được đánh giá là kinh doanh thành công. Trong kinh doanh luôn phải có chi phí dành cho tiếp thị sản phẩm, đây là chi phí bắt buộc thậm chí sống còn của sản phẩm. Chi phí tiếp thị được các công ty sử dụng dưới nhiều hình thức ( như khuyến mãi giảm giá khi mua sản phẩm hay tặng sản phẩm kèm theo, tài trợ cho các hoạt động, chiết khấu trực tiếp khi mua sản phẩm, chiết khấu trực tiếp theo doanh số sau khi tiêu thụ sản phẩm…) về cách thức tiếp thị thì cũng có nhiều cách như quảng cáo trên băng ron, tờ rơi hoặc nhân viên tiếp tiếp thị trực tiếp tới găp người tiêu thụ - Trình dược viên gặp bác sĩ, ...)

Thuốc cũng là một sản phẩm lưu hành trên thị trường và cũng bắt buộc phải có chi phí tiếp thị - cạnh tranh như bao sản phẩm khác, không giống như thời bao cấp mọi thứ được phân phối mà chẳng cần phải giới thiệu sản phẩm với ai. Mục đích của TDV gặp bác sĩ là để thông báo về các tính năng của sản phẩm mới – thuốc mới- mà không phải bác sĩ  nào cũng có cơ hội tiếp cận được thông tin thuốc từ các hội nghị, và khi có nhiều sản phẩm thì ắt sẽ xảy ra cạnh tranh, rồi cạnh tranh không nổi bằng uy tín thương hiệu thì người ta cạnh tranh bằng chi phí cao (hoa hồng cao). Thực tế hoa hồng đó là chi phí tiếp thị hợp lý của một sản phẩm- sản phẩm thuốc - có điều một số công ty đã lạm dụng nó tới phi đạo đức dẫn đến làm tha hóa một số nhân viên y tế để rồi báo chí đã viết theo chiều hướng làm người dân cứ nghĩ là các bác sĩ bây giờ ai cũng được trồng hoa hồng trước nhà. Buồn thật!

Thuốc khác các sản phẩm khác ở chỗ thuốc là một sản phẩm sử dụng trong một lĩnh vực nhạy cảm, đặc biệt – đó là con người. Hơn nữa người bệnh không thể tự mua dùng mà bắt buộc phải sử dụng theo y lệnh thày thuốc dù người bệnh đó giàu hay nghèo. Và cũng chính vì lý do này mà chúng ta mới lên án nhiều, chú tâm nhiều, tốn nhiều công sức để tìm cách quản lý.

Như vậy vấn đề là quản lý sự cạnh tranh này thế nào? Và quản lý ở cấp độ nào.

Nhìn vào kết quả đấu thầu vừa qua của các bệnh viện chúng ta thấy có những chọn lựa khó hiểu. Cùng nhóm hoạt chất, mẫu mã xấu hơn, giá cao hơn nhiều mà lại trúng thầu?! vậy chắc là do chất lượng rồi?! (nhưng một sản phẩm có mẫu mã thế mà chất lượng cao thì cần các nhà chuyên môn nên xem lại) và hơn nữa sản phẩm này của một công ty thật chẳng dám tin vào thương hiệu, trong khi công ty kia thì thật uy tín?

Là một bác sĩ đang làm công tác chuyên môn và cũng đã từng làm trình dược viên cho vài công ty nên tôi cảm nhận được hết nỗi niềm của các nhân viên y tế và của các TDV khi phải trân mình đọc những bài báo nói về họ mà chỉ nhìn ở một khía cạnh, một mắt xích trong chuỗi các mắt xích. Trong khi đáng lên án là một vài công ty dược mua bán lòng vòng nâng giá lên nhưng vẫn không bị xử lý gì, một sản phẩm đã có vài loại với tên khác nhau nhưng vẫn cho nhập tiếp mà lại quên quan tâm tới giá nhập, giá bán, chất lượng mà không thấy trách nhiệm của nhà quản lý ở đâu. Trong đấu thầu các bệnh viện đã thực sự minh bạch và theo đúng các tiêu chí của đấu thầu chưa? Hay mỗi mùa đấu thầu tới là các nhân vật chủ chốt trong hội đồng thuốc phải khổ vì phải tiếp các công ty dược. Chúng ta cấm TDV đi gặp BS trong bệnh viện thì họ phải đi gặp trong quán café, tại nhà riêng của bác sĩ thôi chứ sao, và như thể chúng ta tạo điều kiện cho sự thỏa thuận được dễ dàng hơn nếu có.

Và cũng thật không công bằng khi chúng ta cứ qui chụp chuyện hoa hồng là do bác sĩ  đòi hỏi trong khi cứ cho phép các công ty mua bán lòng vòng nâng giá vô tội vạ để lấy tiền chi hoa hồng và thử hỏi nếu mặt hàng đó không phải là thuốc tây liệu có ai quan tâm tới hoa hồng bao nhiêu không.

Tuy nhiên không phải không có những bác sĩ coi chuyện hưởng hoa hồng là một trong những tiêu chí cho thuốc của mình, nhưng tôi dám khẳng định con số đó không nhiều và cũng sẽ không thể tồn tại những bác sĩ như vậy nếu các công ty dược cạnh tranh một cách lành mạnh, các nhà quản lý có cách quản lý hiệu quả.

Comments

comments powered by Disqus