Hút thuốc lá và ung thư phổi: trời kêu ai nấy dạ!?

September 22, 2012 by Dang Tran

“Shallow men believe in luck. Strong men believe in cause and effect.”Ralph Waldo Emerson 1803 –1882

Tôi có một anh bạn đồng nghiệp có chia sẻ với tôi một tình huống “kẹt” khi anh đang tiến hành truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân về tác hại của thuốc lá. Anh kể rằng, khi đang nói về tác hại của thuốc lá có thể gây ung thư phổi, gây vô sinh,.. thì có một bác đứng lên hỏi “sao tôi thấy thằng A cạnh nhà tôi nó hút thuốc rất nhiều mà không thấy bị ung thư phổi còn ông B hàng xóm không rượu chè, thuốc lá, cờ bạc,..mà vừa mới mất vì ung thư đấy. Trời kêu ai nấy dạ chú ơi!” Tôi không biết là liệu có trời, thần hay không? Nhưng chúng ta có thể giải thích hiện tượng trên theo quan điểm của dịch tễ học : Mô hình nguyên nhân hình bánh của Rothman (Rothman’s causal pie model)

Quá trình hình thành bệnh thường là do đa nguyên nhân, có rất ít bệnh chỉ do 1 yếu tố nguyên nhân gây nên. Ví dụ: đa số chúng ta đều nhiễm vi khuẩn lao trong cơ thể, nhưng khi cơ thể suy yếu, không được chủng ngừa, dinh dưỡng không đầy đủ thì vi khuẩn lao mới có điều kiện trỗi dậy và gây bệnh lao. Như vậy chỉ với một yếu tố là nhiễm vi khuẩn lao thì chưa đủ để gây nên bệnh lao.

Rothman đề cập đến 2 loại nguyên nhân: nguyên nhân đủ (sufficient cause) và nguyên nhân thành phần (component cause). Nguyên nhân thành phần thường được gọi là “yếu tố nguy cơ”

  • Nguyên nhân đủ: Tương đương với một hình bánh đầy đủ. Là tập hợp tối thiểu của các nguyên nhân thành phần (yếu tố nguy cơ), mà khi thiếu vắng bất kỳ một nguyên nhần thành phần nào thì bệnh sẽ không hình thành.
  • Một điều hết sức quan trọng là một bệnh có rất nhiều nguyên nhân thành phần (yếu tố nguy cơ) khác nhau và cũng có rất nhiều nguyên nhân đủ khác nhau. Hay nói cách khác một bệnh có thể được hình thành bởi nhiều cơ chế khác nhau (mỗi cơ chế là một nguyên nhân đủ) và ứng với mỗi cơ chế sẽ có tập hợp các nguyên nhân thành phần khác nhau. Ví dụ

Các cơ chế của bệnh tim mạch (các nguyên nhân đủ):

Qua ví dụ trên, ta thấy rằng dù là cơ chế nào thì nguyên nhân thành phần “cao cholesterol” đều góp mặt. Như vậy ta gọi “cao cholesterol” là nguyên nhân cần (necessary cause)

Một khái niệm khác cũng cần nắm rõ đó chính là độ mạnh của các nguyên nhân (strength of cauces): Khi nhắc đến khái niệm độ mạnh của nguyên nhân chúng ta thường nhầm lẫn với khái niệm độ mạnh của việc suy diễn nhân quả. Ví dụ những người hút thuốc có nguy cơ ung thư phổi cao gấp 10 lần so với những người không hút thuốc . Trong khi đó những người hút thuốc có nguy cơ bệnh tim mạch cao gấp 2 lần so với những người không hút thuốc. Như vậy ta nói, hút thuốc là nguyên nhân mạnh hơn gây ung thư phổi so với bệnh tim mạch.

Khi nói độ mạnh nguyên nhân trong mô hình của Rothman ta cần hiểu ở mức độ quần thể. Nguyên nhân thành phần mạnh là những nguyên nhân chiếm tỉ lệ lớn trong quần thể người bị bệnh. Ví dụ trong 100 người bị ung thư phổi có 70 người có nguyên nhân thành phần (yếu tố nguy cơ) là hút thuốc, và chỉ có 3 người có nguyên nhân thành phần (yếu tố nguy cơ) là phơi nhiễm với khí radon. Như vậy hút thuốc là nguyên nhân thành phần mạnh hơn so với radon trong việc hình thành ung thư phổi.

Trở lại câu hỏi của một người dân ở trên. Anh A hút thuốc rất nhiều nhưng không bị ung thư phổi bởi vì anh A vẫn chưa có đủ các nguyên nhân thành phần khác gộp lại thành một nguyên nhân đủ để gây ung thư phổi. Còn ông B tuy không hút thuốc nhưng ông lại có những nguyên nhân thành phần khác hội đủ điều kiện gây ung thư. Hay nói cách khác, cơ chế (nguyên nhân đủ) gây bệnh của anh A khác với ông B Như vậy liệu người dân có thể đặt thêm câu hỏi là: tôi không biết mình thuộc cơ chế gây ung thư phổi gì, như vậy tôi cứ hút thuốc lá đâu cần phải bỏ thuốc.

Theo một nghiên cứu năm 2012 phần trăm nguy cơ quy trách dân số của hút thuốc trong việc gây ung thư phổi là 92% [3]. Điều đó có nghĩa, hút thuốc là một nguyên nhân thành phần rất mạnh gây ung thư phổi.

Biểu đồ thể hiện phần trăm nguy cơ quy trách dân số của thuốc lá trong việc gây ra các loại ung thư [3]

Tìm hiểu thêm: định đề Cock, tiêu chuẩn suy diễn nhân quả của Hill, thứ bậc của bằng chứng (hierarchy of evidence), phần trăm quy cơ quy trách dân số (population attribute risk)

Tài liệu tham khảo nên đọc :

1. Rothman and Greenland. Causation and causal inference in epidemiology. Am J Pub Health 2005

2. Epidemiology an introduction – 2nd Edition – Kenneth J. Rothman, chapter 3: what is causation?

3. Impact of Cigarette Smoking on Cancer Risk in the European Prospective Investigation into Cancer and Nutrition Study. Journal of Clinical Oncology. Volume 30, number 36, December 2012


P/s: hiện nay việc dịch các thuật ngữ chuyên ngành bằng tiếng anh sang tiếng việt vẫn chưa được thống nhất trong ngành y tế công cộng. Thiết nghĩ việc dịch thuật ngữ chuyên ngành sang tiếng việt trong bài viết này chỉ mang tính tương đối, cho nên việc hiểu và nắm được thuật ngữ gốc là hết sức quan trọng.

Trần Ngọc Đăng, Tsukuba, 18/12/2012

Comments

comments powered by Disqus