Vắc-xin hoạt động như thế nào?

April 19, 2014 by Kinh Nguyen

Tiêm ngừa không là phòng ngừa cho mình, cho cộng đồng và cho cả thế hệ tương lai
Tiêm ngừa là phòng ngừa cho mình, cho cộng đồng và cho cả thế hệ tương lai

Vắc-xin hoạt động qua kích thích kệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra ra các kháng thể (là những chất cơ thể tạo ra để chống lại bệnh) mà không thực sự gây nhiễm bệnh cho người được tiêm vắc-xin.

Các vắc-xin kích hoạt hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể của chính mình giống như là cơ thể đã bị nhiễm bệnh. Đây gọi là miễn dịch chủ động. Nếu người được tiêm vắc-xin sau này có tiếp xúc với bệnh thật, hệ thống miễn dịch của họ sẽ nhận ra ngay lập tức và nhanh chóng tạo ra kháng thể để chống lại.

Trẻ mới sinh cũng đã được bảo vệ khỏi nhiều bệnh tật khác nhau, như sởi, quai bị và rubella vì các kháng thể đã được truyền lại từ mẹ thông qua nhau. Đây gọi là miễn dịch thụ động. Miễn dịch thụ động chỉ tồn tại được vài tuần đến vài tháng. Với sởi, quai bị và rubella thì thời gian dài hơn có thể đến một năm (đây cũng là lí do tại sao vắc-xin sởi-quai bị-rubella (gọi tắt là MMR) được tiêm cho trẻ sau trễ, sau 9 tháng hay 1 năm tuổi).

Sản xuất vắc-xin như thế nào?

Đầu tiên là tạo các vi sinh vật gây bệnh, các tác nhân này có thể là vi rút hay vi khuẩn. Các tác nhân này có thể tạo ra hàng loạt trong phòng thí nghiệm qua nuôi cấy mô. Các tác nhân sau đó phải được biến đổi để đảm bảo sẽ không gây bệnh. Việc này được thực hiện qua

  • làm yếu các tác nhân qua việc nuôi cấy lập lại nhiều lần và chọn chủng ít nguy hiểm nhất – vắc-xin MMR là vắc-xin dạng này.
  • lấy phần gây đáp ứng miễn dịch từ tác nhân và dùng làm vắc-xin – như vắc-xin viêm màng não do Hib.
  • dùng độc tố đã bị khử hoạt tính từ tác nhân – như vắc-xin uốn ván.

Các tác nhân được xử lý sau đó được kết hợp với các thành phần khác, như các chất ổn định và bảo quản để tạo nên vắc-xin.

Liệu hệ thống miễn dịch của trẻ có bị quá tải?

Bạn có thể lo rằng quá nhiều vắc-xin cho trẻ nhỏ có thể làm hệ thống miễn dịch của trẻ quá tải, nhưng điều này không xảy ra. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng vắc-xin không làm hệ thống miễn dịch của trẻ yếu đi. Ngay từ lúc sinh ra, trẻ đã bắt đầu tiếp xúc với một lượng vi khuẩn vi rút khổng lồ mỗi ngày và hệ miễn dịch của trẻ đã phải đối phó tốt với chúng. Các vi khuẩn vi rút trong vắc-xin đều đã bị làm yếu hoặc bị khử hoạt tính và quá ít so với các tác nhân tự nhiên mà trẻ tiếp xúc hàng ngày. Ngay cả nếu một trẻ được tiêm 11 loại vắc-xin cùng một lúc thì chỉ cần một phần ngàn của hệ thống miễn dịch là đủ đối phó.

Vắc-xin hiệu quả bao lâu?

Trong nhiều trường hợp vắc-xin sẽ cung cấp hiệu quả bảo vệ cả đời với bệnh, tuy nhiên điều này tuỳ vào loại vắc-xin một người đã được tiêm. Thời gian bảo vệ của vắc-xin phụ thuộc vào bệnh được tiêm phòng, loại vắc-xin và người được tiêm phòng.
Một số vắc-xin có mức bảo vệ cao, như vắc-xin MMR cho hiệu quả bảo vệ 90% với một liều tiêm. Các vắc-xin khác không hiệu quả bằng, như vắc-xin thương hàn cho hiệu quả bảo vệ khoảng 70% trong 3 năm.

Các chương trình tiêm chủng có vai trò như thế nào?

Một chương trình tiêm chủng sẽ nhắm tới mọi người trong một nhóm tuổi nhất định, nhóm này sẽ được tiêm ngừa với một loại vắc-xin nhất định với mục đích giảm số mắc bệnh. Mục đích của các chương trình này là cung cấp bảo vệ suốt đời. Với trọng tâm là trẻ nhỏ, nhóm đặc biệt dễ tổn thương với rất nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Một số loại vắc-xin tập trung vào nhóm người cao tuổi hoặc những nhóm nguy cơ nhất định như bà mẹ mang thai.

Khi chương trình tiêm chủng một bệnh được triển khai, số người mắc bệnh sẽ giảm xuống. Khi mối đe dọa giảm, việc quan trọng là tiếp tục thực hiện tiêm chủng nếu không bệnh sẽ bắt đầu lây lan trở lại.

Nếu có đủ số người trong cộng đồng được tiêm ngừa, việc lây truyền bệnh giữa những người chưa được tiêm ngừa sẽ khó hơn, đây được gọi là hiệu quả của miễn dịch cộng đồng. Miễn dịch cộng đồng đặc biệt quan trọng trong bảo vệ những người không(chưa) thể tiêm phòng vì họ quá yếu, hoặc đang được điều trị với các liệu pháp làm yếu hệ miễn dịch.

Loại trừ bệnh

Khi dân số được tiêm ngừa càng nhiều, bệnh có thể trở nên biến mất hoàn toàn và chương trình tiêm ngừa có thể dừng, giống như trường hợp bệnh đậu mùa. Bệnh càng lây nhiễm nhiều thì số người cần được tiêm ngừa càng phải nhiều để giữ bệnh trong mức kiểm soát được. Ví dụ bệnh sởi, khả năng lây truyền rất cao nên nếu tỷ lệ được tiêm ngừa giảm thì bệnh sẽ nhanh chóng lây lan trở lại.

Ít nhất 90% trẻ em phải được tiêm ngừa để ngăn chặn bệnh lây lan. Nếu 95% trẻ được bảo vệ với vắc-xin MMR thì không những có thể loại trừ được sởi mà cả quai bị và rubella.

Comments

comments powered by Disqus