Nên đưa ra báo động dù giả hay là không? [Phần II]

April 23, 2014 by Kinh Nguyen

Một phương diện của dịch tễ học đã bị phê phán rất nhiều là việc không xác định rõ ràng yếu tố nào trong cuộc sống hàng ngày thực sự là nguy hiểm cho sức khoẻ.1,3 Như được minh họa trong Hình 1, vấn đề này không chỉ giới hạn trong giới học thuật hay nhân viên y tế công cộng, và cũng chính khía cạnh này đã đưa đến việc nhà báo về sức khỏe James Le Fanu trong sách tổng hợp các bàn luận về Sự thăng trầm của y học hiện đại của mình4 đã gợi ý rằng giải pháp cho phần trầm trong tên sách là đóng cửa hết các cơ sở dịch tễ học! Bản chất đôi khi mâu thuẫn trong những phát hiện từ các nghiên cứu dịch tễ học5 chính là nguồn cơn của sự vỡ mộng này. Nhất là khi một nghiên cứu lớn và được công bố rộng rãi đề xuất một hành động nhằm bảo vệ sức khỏe khỏi một yếu tố phơi nhiễm, mà yếu tố này lại không thấy thể hiện ảnh hưởng có hại trong các nghiên cứu can thiệp.


Hình 1. Một cách nhìn về giá trị của nghiên cứu dịch tễ học (độc giả cũng nên đọc loạt bài Dịch tễ học đối diện với những hạn chế để thấy điều này phần nhiều là do các hãng báo chí thiếu chuyên môn diễn giải sai về những kết luận của nghiên cứu)

Lấy v.d., nghiên cứu rất lớn về mối liên quan giữa lượng tiêu thụ beta-carotene và nguy cơ bệnh tim mạch. Các nghiên cứu quan sát phát hiện ảnh hưởng bảo vệ mạnh của beta-carotene, nhưng các nghiên cứu RCT dài hạn lại cho thấy, có thể nói là, beta-carotene gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch (Hình 26). Đến nay thì đã có hàng loạt các v.d. tương tự, điển hình như mối liên quan giữa liệu pháp thay thế hormone, lượng vitamin E và vitamin C ăn vào với bệnh tim mạch, hay mối liên quan giữa lượng chất xơ ăn vào với ung thư đại tràng. Điểm chung trong các v.d. này là nhóm người mà các vi chất này thể hiện hiệu quả bảo vệ với bệnh tật thấy được trong các nghiên cứu quan sát là rất khác biệt so với nhóm không dùng vi chất, về hàng loạt các đặc tính cá nhân.

Niềm tin rằng những sự khác biệt này có thể được tóm gọn lại qua việc đo lường một vài "yếu tố phơi nhiễm tiềm tàng" và có thể hiệu chỉnh thỏa đáng qua phân tích thống kê làm nhà nghiên cứu không nhận ra tính phức tạp của lí do tại sao mọi người lại khác biệt nhau về các đặc tính chung cũng như các đặc trưng cá nhân.

Tất cả các yếu tố, có thể kể ra hàng loạt như: sinh nhẹ cân, quá trình tăng trưởng thời thơ ấu (và chiều cao khi trưởng thành), việc nhiễm khuẩn dai dẳng mắc phải đầu đời (chẳng hạn như nhiễm khuẩn H pylori) hoặc không có khả năng nhiễm khuẩn (làm tăng nguy cơ dị ứng trong các chương trình về miễn dịch), chức năng phổi, mức độ béo phì, các đặc tính về thiên hướng cá nhân (gồm thái độ, tâm trạng và hành vi liên quan đến sức khỏe), các phương thức thể hiện bản thân, và các cách đối mặt với rủi ro dường như thuộc những phạm trù hoàn toàn khác nhau, nhưng tất cả đều là những phần tất yếu trong cuộc sống và có ảnh hưởng lên sức khỏe.

Một khoa học dịch tễ coi trọng mối liên hệ tất yếu giữa những phạm trù khác nhau trong cuộc sống này sẽ tránh khỏi ngõ cụt mà những chiến lược nghiên cứu dựa trên sự giản hóa quỹ đạo cuộc sống có thể dẫn đến.7,8


Hình 2. Phân tích tổng hợp kết quả của các nghiên cứu quan sát đoàn hệ về lượng beta-carotene ăn vào và tỷ suất tử vong bệnh tim mạch và của các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng trên cùng một vấn đề nhưng kết luận hoàn toàn khác nhau 6.

Sẽ rất đáng mừng nếu việc bác bỏ các nghiên cứu quan sát dựa trên chứng cứ có được từ các nghiên cứu RCT có thể đưa đến đánh giá mang tính quyết định về những cách tiếp cận dựa trên việc trích yếu những yếu tố đơn lẻ (hầu như luôn là về hành vi, tâm lý, trị liệu) từ sự phức tạp trong cuộc sống con người rồi liên kết những điều này với những kết cuộc sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều khả năng xảy ra hơn là cũng như trong nhiều chương trình nghiên cứu đang suy tàn,9 những giả thuyết phụ thêm sẽ được viện ra để giải thích cho những "sai sót" trông thấy, và giải thích trên từng sai sót từng sai sót một chứ không đánh giá tổng quát lại các khía cạnh của luận thuyết đang được áp dụng.

Hết./.


  1. Feinstein AR. Scientific standards in epidemiologic studies of the menace of daily life. Science 1988;242:1257–63. 
  2. Taubes G. Epidemiology faces its limits. Science 995;269:164–69. 
  3. Skrabanek P. False premises, false promises. Whithorn: Tarragon Press, 2000. 
  4. Le Fanu J. The rise and fall of modern medicine. New York: Little Brown, 1999. 
  5. Mayes LC, Horwitz RI, Feinstein AR. A collection of 56 topics with contradictory results in case-control research. Int J Epidemiol 1989: 3:725–27. 
  6. Davey Smith G, Egger M. Meta-analyses of observational data should be done with due care. Br Med J 1999;7175:56. 
  7. Krieger N. Epidemiology and the web of causation: has anyone seen the spider? Soc Sci Med 1994;39:887–903. 
  8. Davey Smith G, Gunnell D, Ben-Shlomo Y. Lifecourse approaches to socio-economic differentials in cause-specific adult mortality. In: Leon D, Walt G (eds) Health inequalities and public policy. Oxford: Oxford University Press, 2000. 
  9. Lakatos I, Musgrove A (eds). Criticism and the growth of knowledge. London: Cambridge University Press, 1970. 

Comments

comments powered by Disqus