Nghiên cứu tim mạch Framingham

October 20, 2012 by Kinh Nguyen

Nghiên cứu Framingham về tim (dưới đây được gọi tắt là nghiên cứu Framingham) là một nghiên cứu dài hạn về hệ tim mạch tiến hành trên các cư dân thị trấn Framingham, bang Massachusetts, Mỹ. Nghiên cứu bắt đầu năm 1948 trên 5209 người trưởng thành của thị trấn và cho đến hiện tại những đối tượng tham gia nghiên cứu đã là thế hệ thứ 3 kể từ khi bắt đầu nghiên cứu.

 Trước khi nghiên cứu được thực hiện, hầu như người ta không biết gì về “dịch tễ học của bệnh tăng huyết áp hay bệnh xơ vữa động mạch”. Rất nhiều những kiến thức thông thường về bệnh tim mạch hiện nay như hiệu quả của chế độ ăn, vận động thể lực và các thuốc trị liệu quen thuộc như aspirin đều xuất phát từ nghiên cứu này. Đây là dự án nghiên cứu của Viện Quốc Gia Mỹ về Tim, Phổi và Máu hợp tác cùng đại học Boston (từ năm 1971). Rất nhiều chuyên gia từ các bệnh viện và đại học trong vùng Thịnh vượng chung Massachusetts (vùng lân cận thành phố Boston) đã tham gia vào dự án này.

Điểm mạnh và điểm yếu

Đã có trên 1000 bài báo được xuất bản từ nghiên cứu này. Tất cả đều thừa nhận sự xuất sắc về phạm vị cũng như thời gian tiến hành của nghiên cứu này và hiệu quả nói chung là rất hữu ích. Dân số lúc bắt đầu tiến hành nghiên cứu là 5.209 nam nữ khỏe mạnh trong độ tuổi từ 30 đến 60 tuổi, chứ không phải là toàn bộ thị trấn như nhiều người vẫn nghĩ.

Ngay từ đầu nghiên cứu người ta đã đưa ra một giả định rằng bệnh tim mạch bị ảnh hưởng rất lớn bởi các yếu tố liên quan đến lối sống, các yếu tố môi trường và sự di truyền. Nghiên cứu này cũng là nguồn gốc của thuật ngữ yếu tố nguy cơ (risk factor) ta sử dụng ngày nay. Trước khi nghiên cứu này được tiến hành, các bác sĩ có rất ít khái niệm về phòng ngừa bệnh. Trong những năm 1950, người ta vẫn tin rằng việc hẹp tắc động mạch là một phần tự nhiên của việc lão hóa và xảy ra với mọi người khi già đi. Ngay cả tăng huyết áp và tăng đường máu cũng được xem là bệnh bình thường khi một người  già đi và trong thời gian này người ta không tiến hành bất kỳ một biện pháp chữa trị nào. Những bệnh kể trên và nhiều yếu tố nguy cơ khác, ví dụ như homocystein (một loại axit amin lấy từ protein trong thức ăn, hấp thụ vào máu và tăng nguy cơ bệnh tim mạch), liên tục được khám phá qua từng năm.

Nghiên cứu Framingham cùng với các nghiên cứu quan trọng khác như nghiên cứu trên 07 Quốc Gia (Seven Countries Study), nghiên cứu Sức khỏe Điều dưỡng (Nurses’ Health Study), và Sáng kiến Sức khỏe Phụ nữ (Women’ Health Initiative) đều cho thấy sự quan trọng của một chế độ ăn lành mạnh,  không bị thừa cân, béo phì và vận động thể lực đều đặn trong việc duy trì trạng thái khỏe mạnh, và có sự khác biệt về nguy cơ bệnh tim mạch giữa nam và nữ. Đồng thời nghiên cứu này cũng xác nhận lại việc hút thuốc là là một yếu tố nguy cơ rõ rệt với sự phát triển các bệnh tim mạch, dẫn đến chứng đau thắt ngực, chứng nhồi máu cơ tim và bệnh mạch vành.

Gần đây nghiên cứu này được xem là đã ước lượng trội nguy cơ, đặc biệt là ở những nhóm có nguy cơ thấp  hơn, như trên dân số Anh.

Một câu hỏi trong y học chứng cứ là những người bệnh trong nghiên cứu này giống với những bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện, trung tâm đến mức nào. Đã có nhiều bàn luận của nghiên cứu về khía cạnh này.

Gần đây các nhà nghiên cứu đã sử dụng thông tin liên hệ của đối tượng nghiên cứu trong vòng 30 năm qua để vẽ một bản đồ về mạng lưới xã hội bạn bè và gia đình trong nghiên cứu này.

Ba thế hệ cùng tham gia vào nghiên cứu

Một số khám phá chính của nghiên cứu

Dưới đây là các khám phá chính của nghiên cứu này theo đánh giá của chính trung tâm nghiên cứu.

Những năm 1960 hút thuốc lá gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Tăng cholesterol và tăng huyết áp gia tăng nguy cơ các bệnh tim mạch. Vận động thể lực giảm nguy cơ các bệnh tim mạch còn tình trạng béo phì gia tăng nguy cơ.

Những năm 1970 tăng huyết áp gia tăng nguy cơ đột quỵ. Phụ nữ hậu mãn kinh có nguy cơ tim mạch gia tăng so với phụ nữ tiền mãn kinh. Các yếu tố tâm lý xã hội ảnh hưởng các nguy cơ của bệnh tim mạch.

Những năm 1980 nồng độ cholesterol HDL (High-Density Lipoprotein) cao giảm nguy cơ bệnh tim mạch.

Những năm 1990 tâm thất trái phình to gia tăng nguy cơ đột quỵ. Tăng huyết áp có thể đưa đến suy tim. Điểm Nguy cơ Framingham được công bố, và có thể dự đoán chính xác nguy cơ trong 10 năm tới của sự xuất hiện các vấn đề tim mạch. Ở độ tuổi 40, nguy cơ trọn đời (lifetime risk) mắc các bệnh tim mạch là 50% ở đàn ông và 33 phần trăm ở phụ nữ.

Những năm 2000 khái niệm tiền tăng huyết áp (prehypertension) được đưa ra, được định nghĩa là khi có huyết áp tâm thu từ 120-139 và huyết áp tâm trương từ 80-89, cho thấy nguy cơ mắc các bệnh tim mạch gia tăng ở nhóm này. Nguy cơ trọn đời mắc tăng huyết áp là 90%. Béo phì là yếu tố nguy cơ của suy tim. Mức aldosterone huyết thanh (hóc môn steroid kiểm soát cân bằng muối và nước trong cơ thể) dự đoán nguy cơ tăng huyết áp. Nguy cơ trọn đời của béo phì là xấp xỉ 50%. Dự án “SHARe” được công bố, dự án này nghiên cứu thêm về mối liên quan với hệ gen trong nghiên cứu Framingham. Sự tiếp xúc xã hội của mỗi cá nhân có liên quan tới việc một người có bị béo phì hay không, và việc một người có quyết định bỏ thuốc hay không. Bốn yếu tố nguy cơ dự báo suy tim được phát hiện. Nguy cơ 30 năm về các vấn đề tim mạch nghiêm trọng có thể tính toán được. Hội tim mạch Mỹ đánh giá các phát hiện về gen của nghiên cứu Framingham là những thành tựu nghiên cứu quan trọng hàng đầu về bệnh tim mạch. Một số gen gia tăng nguy cơ rối loạn tâm nhĩ (atrial fibrillation). Nguy cơ giảm trí nhớ gia tăng ở phụ nữ và nam giới tuổi trung niên nếu cha mẹ họ có trải qua mất trí nhớ.

Comments

comments powered by Disqus